Ngày 26/12/2024 tại TP.HCM, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã tổ chức Hội thảo “Thách thức và giải pháp cung ứng nước sạch cho TP.HCM và các đô thị Việt Nam”. Nhiều tham luận, giải pháp khoa học cung ứng nước sạch cho các đô thị được các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước được giới thiệu tại hội thảo.
TS.Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (bên phải) cùng lãnh đạo SAWACO tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn; Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế; các học giả, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các nước Nhật Bản, Thái Lan, Singapore…
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa tại nước ta đạt 43% với 868 đô thị (loại V), 38 triệu dân sinh sống và khoảng 55 triệu người thường ghé thăm. Do đó nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất mỗi năm tăng từ 10% đến 30%. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh với dân số khoảng 10 triệu người, mỗi ngày cần 2 triệu m3 nước sạch.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nguồn nước dồi dào, nhưng có đến 65% các con sông lớn tại Việt Nam bắt nguồn từ nước ngoài. Trên thượng nguồn các con sông lớn, các quốc gia liên quan đã xây dựng nhiều hồ, đập thủy điện để khai thác, tích trữ nước gây ra tình trạng “thừa nước vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô”.
Tham luận của các học giả, nhà khoa học tại hội thảo
Cùng với đó, việc cung cấp nước sạch cho các thành phố tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu do tác động của biến đổi khí hậu gây khan hiếm, sụt giảm chất lượng nguồn nước, sụt lún đất, xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền làm thay đổi mô hình quy hoạch, đặt ngành cấp nước trước thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao; công nghệ – kỹ thuật, trình độ quản lý, đặc biệt là nguồn vốn để chuyển đổi sản xuất, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…
TS. Nguyễn Ngọc Huy – chuyên ngành Nghiên cứu môi trường toàn cầu, Đại học Tokyo chỉ ra: “Biến đổi khí hậu đã dân tới tình trạng nhiệt độ trái đất tăng gây bão lớn, mưa nhiều, ngập lụt. Một lượng nước lớn chưa được nghiên cứu, sử dụng mà bị bỏ trôi ra biển.”
Th.S Harry Seah, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý, vận hành nguồn nước Singapore (PUB) chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, sử dụng nguồn nước hiệu quả bằng giải pháp “cắt đứt” vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Theo ông, trước đây Singapore cũng phải đối diện với tình trạng thiếu nước, ô nhiễm môi trường và gia tăng dân số. Bằng các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó có hệ thống pháp luật, Singapore đã bằng mọi cách phải giữ lại từng giọt nước trong tự nhiên để tái chế, tái sử dụng. Đồng thời đầu tư khoa học công nghệ để lọc nước biển (khử muối), bổ sung nguồn nước để không bị động, mất an toàn nguồn nước, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, không để nước (mưa, nước thải) trôi ra biển hoặc thấm xuống đất gây lãn phí, không có ý nghĩa.
Tại hội thảo, các học giả, nhà khoa học, nhà quản lý cũng đã tham gia chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho các đô thị Việt Nam trong điều kiện vừa thiếu nước vào mùa khô vừa thừa nước vào mùa mưa bằng sự tích hợp hệ thống các giải pháp. Trong đó có việc kiến nghị chính quyền xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước, chất lượng nước, chuyển dịch mùa vụ sản xuất để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong cộng đồng… và hệ thống giải pháp công trình bao gồm quy hoạch, xây dựng công trình hồ chứa nhằm lưu trữ, điều tiết nguồn nước từ nơi thừa sang nơi thiếu; tìm kiếm phát huy cơ hội trong nguy cơ mà biến đổi khí hậu mang lại kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, dự báo, thu hồi, tái chế, tái sử dụng, bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước; tăng cường trao đổi, hợp tác, trao đổi thông tin khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý – vận hành, bảo đảm cung ứng nước sạch cho các đô thị Việt Nam an toàn – hiệu quả – bền vững.
Lãnh đạo SAWACO trả lời, giải đáp các thắc mắc, phản biện tại hội thảo
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc SAWACO đã cảm ơn học giả, đại biểu đã đóng góp nhiều thông tin, giải pháp hữu ích cho ngành cấp nước TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị Việt nam nói chung nhằm chủ động, thích ứng bền vững với thách thức và biến đổi khí hậu.
Duy Chi
(Nguồn tapchinuoc.vn)