Ngày 13/3, Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã ký công văn gửi thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, Công ty Điện lực An Giang, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang và UBND huyện, thị xã, thành phố về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024.
Chủ động ứng phó khô hạn, bảo vệ sản xuất
Mùa khô năm nay, do ảnh hưởng của El Nino (pha nóng) duy trì đến tháng 6/2024, nền nhiệt trên địa bàn An Giang cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1°C. Từ tháng 3, nắng nóng nhiệt độ xuất hiện nhiều nơi; nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng có khả năng ở mức 36 – 38°C.
Trong khi đó, lượng mưa thấp hơn cùng kỳ; mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong xuống dần, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về hạ lưu (qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc) thấp hơn từ 5 – 15% trong tháng 3, thấp hơn từ 15 – 25% trong tháng 4 – 6/2024. Trong những tháng mùa khô năm 2024, tình trạng khô hạn có thể kéo dài.
Xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang xuất hiện sớm hơn, cao hơn trung bình nhiều năm; độ mặn cao nhất có khả năng ở mức từ 0,1 – 0,3‰ và duy trì trong tháng 3 – 5/2024.
Trước diễn biến này, UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, kiệt mùa khô năm 2023 – 2024 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn và tình hình hạn hán, thiếu nước, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.
Trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự cấp huyện, xã (thành viên là trưởng cơ quan, đơn vị), ban chỉ huy các cấp phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành khi có sự cố, thiên tai xảy ra.
Các địa phương tiếp tục rà soát, củng cố hoạt động của đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng chủ động xử lý giờ đầu, giảm thiểu đến mức thấp khi có ảnh hưởng hạn, kiệt, chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động nguồn nước tưới; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu hạn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang phối hợp UBND huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên và Chi cục Kiểm lâm xây dựng, ban hành kế hoạch lấy nước từ hồ chứa do công ty quản lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2024. Trong đó, thống nhất cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng vận hành linh hoạt, tiết kiệm nước, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đủ nước cung cấp cho cây trồng, thực hiện thời vụ sản xuất tập trung để không kéo dài thời gian lấy nước.
Các ngành, địa phương ưu tiên tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước để khơi thông dòng chảy; chủ động tích nước trong các ao, hồ, vùng trũng thấp, kênh rạch; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, sử dụng các thiết bị để tích, trữ nước…
Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang theo chức năng, nhiệm vụ phân công, hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống, khắc phục tình hình hạn, kiệt, mực nước thấp theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo công tác cấp nước sinh hoạt và sản xuất được liên tục…
(Nguồn báo An Giang)